Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và ý nghĩa đối với việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay
Authors: Trương Văn Viên
Độc
lập dân tộc là tư tưởng chủ đạo, chi phối toàn bộ sự nghiệp cách mạng
của Hồ Chí Minh: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đó là
tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu. Trong bản
Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Hồ Chí
Minh đã đanh thép khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh
ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền
tự do”.
Hồ
Chí Minh bước lên vũ đài chính trị trong bối cảnh nước mất nhà tan.
Người đã tận mắt chứng kiến sự đàn áp thống trị tàn bạo của đế quốc Pháp
đối với dân tộc, sự hèn hạ của triều đình phong kiến và rất khâm phục
tinh thần chống Pháp giành độc lập của các nhà yêu nước tiền bối và
đương thời. Thực tiễn đó đã hình thành ở Người lòng khát khao giải phóng
dân tộc, thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước vào tháng 6/1911. Vì
vậy, vấn đề dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là vấn đề dân
tộc nói chung mà là vấn đề dân tộc thuộc thuộc địa trong thời đại cách
mạng vô sản. Thực chất của vấn đề dân tộc là vấn đề đấu tranh giải phóng
các dân tộc thuộc địa nhằm thủ tiêu sự thống trị của nước ngoài, giành
độc lập dân tộc, xóa bỏ ách áp bức, bóc lột thực dân, thực hiện quyền
dân tộc tự quyết, thành lập nhà nước dân tộc độc lập.
Trên
hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã chứng kiến thực trạng xã
hội những nơi Người từng đặt chân tới, ở đâu cũng có cảnh áp bức, bóc
lột, bất công và nỗi thống khổ do chủ nghĩa đế quốc gây ra. Hồ Chí Minh
đã đi đến một kết luận vô cùng quan trọng: Thế giới dù vô cùng bao la,
nhân loại dù vô cùng đông đảo, suy đến cùng chỉ có 2 giống người: đi bóc
lột và bị bóc lột. Đến khi bắt gặp luận cương của Lênin về vấn đề dân
tộc và vấn đề thuộc địa thì nhận thức của Hồ Chí Minh về vấn đề độc lập
dân tộc được xác định trên cơ sở khoa học và được nâng lên ở tầm cao
mới.
Ngay
từ năm 1919, vận dụng nguyên tắc dân tộc tự quyết thiêng liêng được các
đồng minh thắng trận thừa nhận, thay mặt cho những người Việt Nam yêu
nước tại Pháp, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đã gửi bản Yêu sách 8
điểm đến Hội nghị Vécxây đòi tự do dân chủ cho nhân dân An Nam. Trong
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo đã vạch
rõ nhiệm vụ đầu tiên của cách mạng Việt Nam là: "Đánh đổ đế quốc chủ
nghĩa Pháp và bọn phong kiến; Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập".
Đến năm 1941, Hồ Chí Minh về nước, khi chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của
Đảng, Người đã chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao
hơn hết thảy”. Trong bài Mười chính sách của Việt Minh, Hồ Chí Minh một
lần nữa khẳng định mục tiêu đầu tiên của cách mạng là “Cờ treo độc lập,
nền xây bình quyền”. Câu nói bất hủ của Hồ Chí Minh thể hiện ý chí đấu
tranh cho độc lập dân tộc vẫn luôn là sợi chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam:
“Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho
được độc lập!”.
Hồ
Chí Minh khẳng định, độc lập, tự do là quyền thiêng liêng, bất khả xâm
phạm của tất cả các dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, tất cả các dân tộc trên
thế giới, dù dân tộc đó là "thượng đẳng" hay "hạ đẳng", "văn minh" hay
"lạc hậu" đều có quyền được hưởng độc lập, đều có quyền sống, quyền sung
sướng và quyền tự do.
Độc
lập, tự do dân tộc, theo Hồ Chí Minh, phải thực sự, hoàn toàn, chứ
không phải là thứ độc lập, tự do giả hiệu giống như "cái bánh vẽ" mà chủ
nghĩa đế quốc nêu ra. Độc lập dân tộc phải được biểu hiện trên tất cả
các lĩnh vực của đời sống xã hội, các quyền dân tộc, quyền con người
phải được thực hiện trên thực tế. Một dân tộc độc lập thì phải có quyền
tự quyết định trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại
giao, toàn vẹn lãnh thổ, mà trước hết và quan trọng nhất là quyền quyết
định về chính trị.
Theo
Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải gắn liền với tự do của nhân dân.
Người chỉ rõ: "Nước độc lập mà dân không được tự do thì độc lập ấy chẳng
có nghĩa lý gì". Độc lập, tự do phải gắn liền với hoà bình chân chính.
Muốn có độc lập, tự do phải đấu tranh chống lại ách áp bức dân tộc của
chủ nghĩa đế quốc.
Cho
đến hôm nay, trong tâm thức mỗi người Việt Nam yêu nước vẫn còn vang
vọng lời Bác dạy trong bản Tuyên ngôn độc lập: "Nước Việt Nam có quyền
hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn
thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng
và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Title: | Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và ý nghĩa đối với việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay |
Authors: | Trương Văn Viên |
Keywords: | Tư tưởng Hồ Chí Minh |
Issue Date: | 2017 |
Publisher: | H.:ĐH KHXV & NV |
Description: | 108 tr. |
URI: | http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/54466 |
Appears in Collections: | USSH - Master Theses |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét